Bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng giống bơ nổi tiếng tại Bình Phước
Một ngày đầu tháng 1 năm 2019, tôi được anh Dương Xuân Trung – Phó Chủ tịch HĐHD tỉnh Đồng Nai rủ đi thăm trang trại trồng bơ sáp của anh Dương Mã Dương ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.
Xem thêm:
Theo anh Trung, mô hình trang trại trồng bơ sáp của anh Dưỡng không chỉ nổi tiếng trong nước mà nhiều nước ASEAN và thế giới đều biết đến. Đặc biệt, anh Dương Mã Dưỡng là người có tâm huyết với các hoạt động kết nối, xây dựng Dòng tộc, là một trong số các doanh nhân ở Bình Phước tích cực tham gia và ủng hộ các hoạt động của Hội đồng Họ Dương tỉnh Bình Phước trong các năm qua.
Doanh nhân Dương Mã Dưỡng kiểm tra việc bao bọc trái bơ sáp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Sau khi vượt chặng đường dài từ thành phố Đồng Xoài về huyện Phú Riềng, đến xã Phước Tân, chúng tôi gặp ngay tấm biển chỉ đường vào HTX Bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng. Đón chúng tôi trong vườn ươm bơ giống, anh Dương Mã Dưỡng vui vẻ bắt tay từng người rồi đưa mấy anh em đi thăm trang trại trồng bơ rộng trên 7 héc-ta đang vào vụ thứ 2 trong năm.
Kể về quá trình gầy dựng thương hiệu bơ sáp cao cấp mang tên mình, anh Dương Mã Dưỡng cho biết: Cách đây trên 20 năm, anh từng kinh doanh nghề chế biến và xuất khẩu gỗ ra nước ngoài. Thị trường chính là Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, lĩnh vực này làm ăn ngày càng khó khăn, anh quyết định rời Bà Rịa-Vũng Tàu lên Bình Phước mua đất, lập nghiệp. “Cơ duyên gắn tôi với cây bơ cũng rất tình cờ. Khi đó, một người bạn tặng một chậu quýt giống để trồng trong vườn. Đáp lễ, tôi ra vườn hái vài quả bơ tặng lại. Vài ngày sau, người bạn gọi điện cho tôi, khen bơ rất ngon và hỏi tôi sao không mở rộng diện tích trồng bơ và ghép giống để bán. Từ câu hỏi của người bạn, tôi mới để ý và nhận ra cây bơ ở góc vườn, dù không được chăm sóc mà mùa nào cũng sai trĩu quả, trái to và láng bóng” – anh Dưỡng kể .
Ngày càng có nhiều người đến tham quan trang trại, trao đổi kinh nghiệm trồng bơ sáp với anh Dương Mã Dưỡng
Năm 1995, sau mấy vụ mày mò trồng thử, anh Dưỡng cùng người em trai là Dương Nhục Sáng tập trung đầu tư công sức, tiền của vào việc trồng bơ. Hai anh em từng bước mở rộng vườn bơ, vừa trồng xen với tiêu, đào lộn hột, vừa thay dần các cây trồng kém hiệu quả bằng cây bơ sáp. Ba năm sau khi trồng, những cây bơ đầu tiên cho năng suất rất cao, trái lớn và đẹp. Từ đó, anh quyết định đầu tư mở rộng diện tích vườn bơ kết hợp với ghép cây giống để bán và xây dựng thương hiệu “bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng”. Ngày nay, mọi người khi lên mạng, nếu gõ cụm từ “bơ sáp Mã Dưỡng”, sẽ có ngay hàng chục kết quả trong nháy mắt.
Nếu chỉ nhìn vườn bơ đang phát triển mạnh, cho trái trĩu cành và khu vườn chuyên ghép giống với hàng trăm nghìn cây giống xanh tốt, ít ai biết rằng, anh Dưỡng và người em đã rất nhiều lần thất bại trong việc ghép giống bơ. Ban đầu, anh làm theo hướng dẫn cách ghép trên mạng nhưng số cây sống sót rất thấp. Không cam chịu thất bại, anh Dương Mã Dưỡng giao trang trại cho em trai chăm sóc, còn anh khăn gói lên đường qua Thái Lan để học nghề… Sau khi học kỹ thuật ghép ở Thái Lan, anh Dưỡng đã nắm được kỹ thuật trong việc lấy mầm, chọn mắt ghép… để tăng tỷ lệ sống cho cây con. Theo anh Dưỡng, để cho ra được cây giống tốt, phải chọn cây mẹ có năng suất cao, độ tuổi một năm, có lá già, ngọn chuẩn bị phóng đọt lần thứ hai và phải dừng việc bón phân cho cây mẹ trước đó một tháng. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nên việc ghép giống bơ sáp của anh Dưỡng đã thành công. Từ nguồn cây giống này, mỗi năm cơ sở của anh bán ra thị trường hàng chục ngàn cây bơ giống, giá bán giao động từ 50.000 đến 60.000 đồng/cây, thu về một khoản tiền không nhỏ.
Một cây bơ 5 tuổi, từng cho thu hoạch trên 30 triệu đồng vào năm 2017
Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Dưỡng cho biết: Loại bơ sáp cao sản này từ lúc trồng đến khi ra trái bói khoảng 3 năm. Mỗi năm bơ cho trái 2 đợt. Đợt một vào tháng 6 âm lịch (mùa thuận) và đợt hai vào tháng 11 âm lịch (mùa nghịch). Khi đến 3 năm tuổi, mỗi cây bơ sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tạ trái; khi đến 5 năm tuổi, mỗi cây sẽ cho thu hoạch từ 2-3 tạ trái. Vào mùa thuận, giá dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, còn mùa nghịch có thể lên đến 120.000 đồng/kg. Với diện tích hiện tại trên 7 héc-ta, bao gồm 2,5 héc-ta sầu riêng (9 năm tuổi) và 4,5 héc-ta cà phê xen bơ sáp cao sản, mỗi năm gia đình anh Dương Mã Dưỡng thu nhập hàng tỷ đồng sau khi trừ mọi chi phí..
“Bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng” – Thương hiệu ASEAN
Trong quá trình hình thành HTX và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cây bơ sáp, hai anh em Dương Mã Dưỡng và Dương Nhục Sáng có sự phân công khoa học, phù hợp với khả năng từng người. Khi cây chưa đến thời kỳ thu hoạch, hai anh em cùng tập trung chăm sóc vườn cây. Khi bước vào vụ thu hoạch, người em Dương Nhục Sáng sẽ là người trực tiếp chăm lo việc thu hoạch và trông coi trang trại. Còn người anh Dương Mã Dưỡng đảm nhận phần ngoại giao, tìm đối tác thu mua sản phẩm, mở rộng thị trường…
Ngoài sản lượng bơ sáp thu được từ trang trại của mình, mỗi vụ, anh Dưỡng còn đứng ra thu gom khoảng 40-50 tấn bơ sáp của một số hộ dân trong khu vực. Để được mang thương hiệu “ Bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng”, những hộ dân này phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ việc chọn cây giống, sử dụng phân bón đến thuốc trừ sâu, công đoạn sau thu hoạch…theo hướng dẫn của HTX bơ sáp Mã Dưỡng.
Chính sự năng động, nhạy bén và giàu kinh nghiệm nên bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng từ năm 2015 đã được Viện Chính sách, pháp luật và quản lý (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tôn vinh là sản phẩm thương hiệu Việt, chứng nhận huy chương Vàng, danh hiệu thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng cùng nhiều giải thưởng khác. Đặc biệt, đầu năm 2017 anh Dương Mã Dưỡng đã ký kết hợp tác với một doanh nghiệp Nhật Bản, cam kết thực hiện quy trình sản xuất an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật. Với tiêu chuẩn này, giá bán mỗi kg bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng vào thị trường Nhật 140.000 đồng, cao gần gấp đôi so với giá bán tại thị trường nội địa.
Cũng như nền kinh tế Việt Nam, ngành sản xuất nông nghiệp nước ta đang đứng trước những cơ hội to lớn do Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại; bên cạnh đó cũng phải đối diện với những thách thức không nhỏ, nhất là vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Về vấn đề này, anh Dương Mã Dương cho biết: “ Người nông dân nước ta sở hữu diện tích canh tác nhỏ lẻ, chủ yếu do hộ nông dân tự canh tác, các doanh nghiệp lớn chưa nhiều và vấn đề thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và hàm lượng các chất cấm chưa được quản lý chặt khiến cho hàng nông sản Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao. HTX Bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng đang hướng đến một nền nông nghiệp sạch, phá triển bền vững. Để làm được điều đó, HTX đang hợp tác với Nhật Bản trong việc xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, tập trung giải quyết các vấn đề như quy trình sản xuất an toàn, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, liên kết mở rộng diện tích trồng và chế biến các sản phẩm từ trái bơ sáp.
Bán cây giống bơ sáp, một nguồn thu không nhỏ của HTX bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng
Hiện tại, HTX bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng đã mở rộng diện tích lên 50 héc-ta, có quan hệ với nhiều doanh nghiệp ở Singapore, Australia, Mỹ, Anh, Isarel, Hồng Kông… trong việc tiêu thụ bơ sáp. HTX sẵn sàng bao tiêu sản phẩm của nông dân trong tỉnh Bình Phước và vùng phụ cận khi người trồng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật do HTX đề ra (từ khi trồng đến khi thu hoạch trái bơ, trong đó đặc biệt lưu ý không sử dụng phân bón và thuốc hóa học, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học…).
Khi chia tay chúng tôi, anh Dương Mã Dưỡng tiết lộ: Trong năm 2019 và các năm tiếp theo, HTX Bơ sáp cao cấp Mã Dương sẽ mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường bằng hình thức mở các đại lý cấp I ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt sẽ ưu tiên cho bà con người Họ Dương đứng ra làm đại lý. Tại Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam năm 2019 tổ chức tại Vĩnh Phúc, HTX bơ cao cấp Mã Dưỡng sẽ có gian hàng phục vụ bà con với mức giá ưu đãi. Đây là dịp để bà con Họ Dương cả nước thưởng thức hương vị đặc biệt của bơ sáp Mã Dưỡng, niềm tự hào nông sản Việt, do một nông dân Họ Dương gây dựng trên 20 năm qua.
Theo ghi chép của Dương Xuân Bình